Cuộc đàm đạo của Lão Tử và Khổng Tử đã để lại giai thoại ngàn năm

Lời hay thì không thật, lời thật thì không hay
Lão Tử và Khổng Tử, hai bậc thánh nhân trong lịch sử đã có lần tương ngộ, cuộc đàm đạo của các ngài đã để lại giai thoại ngàn năm.
Lão Tử và Khổng Tử là hai bậc thánh nhân trong lịch sử đã có lần tương ngộ.

Lão tử nói:
Khi cái tâm của người không nhận thức đúng đắn về đạo, thì đạo sẽ không bao giờ vào đến tâm người ấy.

Khi Lão Tử tiễn Khổng Tử về và nói:
Kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói.
Tôi không phú, cũng chẳng quý, không có của cải, chỉ muốn tặng ông vài lời.
Thời nay kẻ thông minh sâu sắc sở dĩ gặp nạn, là do hay chê cái sai của người.
Kẻ giỏi hùng biện, thông hiểu sự việc gặp họa liên miên, là do hay vạch cái xấu của người.
Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn.


Khi hai người đi đến bờ sông Hoàng Hà, nước sông sóng cuộn đục ngầu, âm thanh như sấm động. Khổng Tử bất giác nói lời thương cảm:
Nước sông cuộn chảy không ngừng, cuộc đời con người qua đi chẳng dừng,
sông chẳng biết chảy đi đâu, đời người chẳng biết đi về đâu?


Nghe vậy Lão Tử tiếp lời:
Con người sống giữa trời đất, nên hòa cùng trời đất là một thể, sinh ra trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, thì bản tính không loạn.
Đời người từ trẻ đến già cũng giống như trời đất có Xuân - Hạ - Thu - Đông, có gì buồn đâu?


Lão Tử chỉ con sông nói với Khổng Tử:
Ông sao không học đức của nước?
Nước thiện không tranh giành, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường.
Nước mềm mại yếu đuối nhưng những thứ cứng rắn không thể thắng được, đó là đức nhu.


Khổng Tử nghe đến đây bỗng bừng tỉnh, tiếp lời:
Mọi người ở trên cao, riêng nước ở dưới thấp.
Mọi người ở chỗ dễ chịu, riêng nước ở chỗ hiểm trở.
Mọi người ở chỗ sạch sẽ, riêng nước ở chỗ dơ bẩn.
Chỗ nước ở là chỗ mà mọi người đều ghét thì còn ai tranh dành với nước đây?
Chính là cái thiện cao nhất của nước.


Lão Tử gật đầu và nói: "Ông là người có thể dạy được". Rồi tiếp:
Bậc Thánh nhân hành sự tùy theo thời vận.
Bậc Hiền giả ứng biến tùy theo sự việc.
Bậc Trí giả vô vi mà trị vì cai quản.
Bậc Đạt giả thuận theo lẽ trời mà sinh ra.


Lão Tử còn khuyên Khổng Tử:
Ông nên xóa bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, xóa bỏ cái chí dục ở dung mạo.
Nếu không, người chưa đến mà tiếng tăm đã đến, thân chưa tới mà gió đã động.
Hiển lộ phô trương, như hổ đi trên phố, ai dám dùng người?


Khổng Tử vô cùng cảm phục:
Lời của tiên sinh, là từ đáy lòng mà vào tận tâm can của trò, học trò cả đời không quên.

Nói xong, Khổng Tử từ biệt Lão Tử trở về nhà. Khi về đến nhà Khổng Tử nói:
Cảnh giới tư tưởng của Lão Tử như Rồng ngao du trong thái hư huyền ảo, trong vũ trụ mênh mông huyền bí, không ảnh không hình. Lão Tử thực sự là thầy của ta.

Đã trải qua hàng ngàn năm tới tận ngày nay, những tư tương sâu xa, thâm thúy của Lão Tử vẫn là những lời răn dạy vô giá đối vơi hậu nhân.

KẾT NỐI TRI THỨC

Website kết nối tri thức là trang chuyên tổng hợp kiến thức hay, cung cấp, trao đổi và giới thiệu những kiến thức hay trong cuộc sống, những quan điểm về cuộc sống và những câu chuyện thú vị, bổ ích nhiều lĩnh vực để cuộc sống của chúng ta ngày càng trở lên phong phú, tốt đẹp hơn và cùng nhau phát triển.